QUAN NIỆM VỀ HẠNH PHÚC DƯỚI DẠNG LÝ TƯỞNG CỦA NÓ TRONG TỤC NGỮ, THƠ CA DÂN GIAN VIỆT NAM
LÊ HUY THỰC (*)
T rong bài viết này, tác giả đã góp phần luận giải bản chất và dạng lý tưởng của hạnh phúc - một phạm trù, một vấn đề trung tâm của đạo đức học - theo quan niệm của người lao động qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam. Hạnh phúc đó không phải là cái gì cao xa, trừu tượng; trái lại, rất giản dị, gần gũi và thiêng liêng: được chăm sóc cha mẹ, anh em gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau; vợ chồng chung thủy, con cái đầy đủ, cuộc sống yên bình, ấm cúng, nhiều tình thương...
Hạnh phúc là một phạm trù, một vấn đề trung tâm của đạo đức học. Không ít tác giả bình dân Việt Nam đã bàn luận, cắt nghĩa và mô tả dạng lý tưởng của hạnh phúc theo quan niệm của quần chúng lao động. Nhiều tác phẩm tục ngữ, ca dao, dân ca của chúng ta chứa đựng những triết lý làm nên một quan niệm tuy mộc mạc, bình dân nhưng cũng khá phong phú, sâu sắc và có ấn tượng khó quên trong trí óc độc giả về hạnh phúc.
Trong tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, hạnh phúc được quan niệm không phải là cái gì đó cao xa, mà rất gần gũi, ở ngay những người ruột thịt cùng dòng máu. "Có cha có mẹ thì hơn / Không cha không mẹ như đờn đứt dây"(1). Câu ca dao này diễn tả một trong những quan niệm về hạnh phúc của nhân dân ta. Ở đấy, hạnh phúc chỉ là có (còn) cả cha và mẹ, được sống cùng cha mẹ. Người con, đồng thời là tác giả câu ca dao này không bộc lộ quan niệm hạnh phúc là sự hưởng lạc vật chất cao sang, mà chỉ là sự nương tựa vào cha mẹ, nhận từ cha mẹ sự chăm sóc nói chung. Câu triết luận đang bàn còn bao hàm ý nghĩa người con hiền thảo, kính yêu song thân của mình. Có thể nói, câu ca dao, triết luận trên có “ý tại ngôn ngoại”, tức là ngoài cái nghĩa đen như nói trên, nó còn thể hiện nhu cầu, mong muốn của người con được chăm sóc, đền đáp phụ mẫu. Vậy là, hạnh phúc mà chúng ta đang xét bao hàm cả hai nhu cầu được nhận, cậy trông từ nơi cha mẹ và được chăm sóc, đáp đền người sinh ra mình.
Đọc thêm »
0 comments:
Đăng nhận xét