CHỦ THUYẾT CỦA MẶC TỬ
Chủ thuyết Của Mặc Tử, nói gọn là hai chữ "Kiêm ái". Với tinh thần truyền đạo, Mặc Tử đã đích thân thực tiễn tâm niệm "Kiêm ái", nhưng chưa xây đựng hoàn chỉnh một hệ thống triết lý "Kiêm ái", để thiên hạ tâm phục và thi hành. Sở dĩ Mặc Tử có được một địa vị quan trọng trên lịch sử văn hóa cổ Trung Quốc, không do vai trò nhà triết học hay nhà tôn giáo, mà là nhờ ý chí chống xâm lăng, bằng chủ trương "phi công", với nhiệt tình cứu thế, nghị lực thực hành và tinh thần hy sinh cao cả, đã cảm động đến muôn đời.
Mặc Tử xuất thân hàn vi, tuy sinh trưởng tại Lỗ, một nước bảo tồn hơn bất cứ nước nào hết, nền văn hóa nhà Chu, và đã từng theo học đạo Nho, nhưng không chủ trương chấn hưng văn hóa nhà Chu như Khổng Tử, mà là đi theo con đường cải cách tích cực, mong tạo dựng được một xã hội mới, an bình, có lợi cho giới bình dân. Hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ, có thể nói là hỗn loạn vô cùng, trong nội bộ các nước luôn luôn xây ra những vụ thoán nghịch, giữa các nước thì dùng võ lực công phạt lẫn nhau. Với lòng bác ái vị tha, Mặc Tử đã bôn ba giữa các nước, khẩn thiết kêu gọi "Kiêm ái phi công". Nhưng vì chủ trương "Kiêm ái phi công" của Mặc Tử nghịch lại với chính sách "Binh nông" (nuôi quân ở nhà nông) của vua chúa các nước đương thời, cho nên đã gặp nhiều trở ngại, khó thực hiện nổi. Chẳng hạn như, khi Mặc Tử sang nước Sở dâng tác phẩm của mình lên Sở Huệ Vương. Vua Sở tuy đã khen sách viết rất hay, nhưng chẳng thực hành theo lời khuyến cáo của Mặc Tử, duy chỉ ngỏ ý "Vinh dưỡng hiền nhân" (trọng đãi kẻ hiền sĩ). Thấy vậy, Mặc Tử liền tạ từ rằng: "Địch văn hiền nhân tiến, đạo bất hành, bất thụ kỳ thưởng; nghĩa bất thính, bất xử kỳ triều, khất kim thư vị dụng, thỉnh toại hành dĩ". (Địch này nghe nói, khi hiền sĩ đã đem lời tiến dâng mà đạo chẳng hành, thì nào dám nhận phần thưởng; khi nghĩa chẳng được nghe theo, thì không thể cộng sự tại triều, mãi đến nay, sách của tôi chưa được áp dụng, thì xin cho lui thôi).
0 comments:
Đăng nhận xét